Cách mạng công nghiệp 4.0, học gì để sẵn sàng cho tương lai?

Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, khi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học sâu, học máy... đang ngày càng mở rộng giới hạn năng lực và sự sáng tạo của con người, hệ thống giáo dục có lịch sử từ cách đây 300 năm đã không còn phù hợp. Chúng ta cần học gì để thích ứng với sự phát triển công nghệ?
Nhân dịp đầu năm mới 2019, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết sâu sắc với nhiều ý tưởng mới mẻ về chủ đề này được đăng tải trên website Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Tác giả bài viết là tiến sĩ Vishal Sikka, một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hệ thống thông minh, mô hình và ngôn ngữ lập trình, quản trị thông tin. Ông lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại đại học Standford, từng là CEO Infosys (hãng tư vấn dịch vụ và công nghệ thông tin lớn thứ ba Ấn Độ) và thành viên ban điều hành SAP (hãng phần mềm doanh nghiệp lớn nhất thế giới). Hiện nay ông là giáo sư cố vấn đại học Sư Phạm Hoa Đông (ECNU), một trong những trường đại học danh tiếng nhất Thượng Hải và Trung Quốc.
Cách mạng 4.0
Tiến sĩ Vishal Sikka, cựu CEO Infosys và thành viên ban điều hành SAP (Ảnh: Hindustan Times)
Các công nghệ mới nổi về trí tuệ nhân tạo, mạng lưới thần kinh sâu, học máy... đã cho phép chúng ta mơ tới những khả năng mới của con người về đổi mới, sáng tạo, năng suất.
Các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ đang khám phá những biên giới mới tốt đẹp hơn của tiềm năng con người. Do đó, nhiều hệ thống đã tiến hóa tới mức xa hơn những gì chúng ta có thể nghĩ tới cách đây 10 năm. Tuy vậy, chúng ta vẫn phụ thuộc vào một hệ thống giáo dục được xây dựng từ cách đây 300 năm.
Các lớp học ngày hôm nay vẫn thường hoạt động giống như cách vận hành của các lớp học thời nông dân chiếm đa số trong xã hội, khi trí nhớ được tưởng thưởng hơn là sự tò mò và thí nghiệm, khi việc làm một điều gì đó đúng lại quan trọng hơn việc học thông qua thất bại. Chúng ta phải dịch chuyển khỏi quá khứ của chúng ta, thay đổi trọng tâm từ học những gì chúng ta đã biết sang một nền giáo dục tập trung vào việc khám phá những điều chưa xảy ra. Hệ thống này sẽ tương tự một hệ sinh thái-có những điều chỉnh nhỏ và liên tục được thực hiện bởi những diễn viên độc lập bên trong toàn thể thống nhất.
Cách mạng 4.0
"Chúng ta phải thay đổi từ học những gì chúng ta đã biết sang học để khám phá những điều chưa xảy ra", quan điểm chính của tiến sĩ Vishal Sikka về giáo dục trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
Chúng ta có thể thấy một số trong những ý tưởng trên từ các nghiên cứu của chuyên gia giáo dục Sugata Mitra (giáo sư môn Công nghệ giáo dục đại học Newcastle, Anh Quốc) và những người khác. Ý tưởng dòng chảy (flow) của nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hungary, Mihaly Csikszentmihalyi, cũng có thể được ứng dụng một cách chính xác ở đây-là những cá nhân, tất cả chúng ta phải tìm ra không gian của riêng mình để học. Đó là những trải nghiệm độc đáo của chính chúng ta, những trải nghiệm lôi cuốn chúng ta một cách trọn vẹn bằng những yêu cầu cao về khả năng và thách thức ở cấp độ cá nhân rất cao. Khi tìm thấy sự cân bằng này thì tiềm năng của mỗi chúng ta mới thật sự là vô hạn.
Cách mạng 4.0
Ý tưởng dòng chảy (flow) của nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hungary, Mihaly Csikszentmihalyi: tất cả chúng ta phải tìm ra không gian của riêng mình để học. Đó là những trải nghiệm độc đáo của chính chúng ta, lôi cuốn chúng ta một cách trọn vẹn bằng những yêu cầu cao về khả năng (Skill) và thách thức (Challenge) ở cấp độ cá nhân rất cao (Ảnh: Youtube)
Theo một nghĩa nào đó, tâm trí con người là công nghệ nguyên thủy-sáng tạo nghịch ngợm nhất của Mẹ Thiên nhiên. Tâm trí giúp chúng ta phân tích, thấu hiểu, đánh giá; giao tiếp, thấu cảm, hợp tác; tưởng tượng, mơ ước, sáng tạo. Nhưng không có cái nào trong số những năng lực khó tin này lại có thể thực hiện được nếu không có hai năng lực nền tảng: thấu hiểu và học. Chính những khả năng thấu hiểu và học đã chuyển hóa tất cả những làn sóng thông tin và dữ liệu thô trong thế giới của chúng ta thành kiến thức thực sự.
Khi công nghệ tiếp tục sự tăng trưởng của nó, hấp thu những công việc nhàm chán và theo lề thói của chúng ta, chúng ta phải hiểu được lời kêu gọi đến một cái gì đó lớn lao hơn, để trở thành một cái gì đó tốt hơn. Đó là lời hứa về tiềm năng con người vĩ đại của chúng ta-rằng chúng ta có nhiều hơn tổng lượng kiến thức của chúng ta trong quá khứ. Nói đúng hơn, khả năng học của chúng ta chính là cái mở ra một tương lai mới cho tất cả chúng ta.
Để bắt đầu, chính sách công phải chuyển hóa ở mọi cấp độ-địa phương, bang, liên bang-để các hệ thống giáo dục có thể theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Bản thân các chính phủ cũng cần được làm mới thông qua cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, thích ứng. Các chính sách cũng phải cung cấp cho học sinh của chúng ta một môi trường để thành thạo công nghệ.
Các hệ thống giáo dục của chúng ta phải được hiện đại hóa để theo đuổi thực tế mới này. Một cuộc khảo sát trên 9.000 thanh thiếu niên toàn cầu từ 16-28 tuổi của Infosys năm 2016 cho thấy, 40% người tham gia khảo sát tin rằng một chiếc máy sẽ có thể thực hiện công việc của họ trong 10 năm nữa. Gần phân nửa số tham gia khảo sát ở các nước phương Tây cho rằng, nền giáo dục của họ đã không trang bị cho họ những điều kỳ vọng từ cuộc sống công việc sau này. Và gần 80% cho biết, họ phải học những kỹ năng mới mà họ không học ở trường. Đó là thực tế mới, khi thay đổi công nghệ đang nhanh đến mức yêu cầu chúng ta học tập không ngừng. Các hệ thống giáo dục phải dạy chúng ta khả năng học chứ không phải khả năng ghi nhớ.
Một trong những mục tiêu cần thực hiện là làm cho máy vi tính được mọi người tiếp cận rộng rãi hơn ở mọi mức thu nhập và vùng địa lý. Bạn tôi, Nicholas Negroponte (nhà sáng lập, chủ tịch danh dự MIT Media Lab) đã thành lập tổ chức One Laptop per Child (Một laptop cho mỗi trẻ) nhằm cung cấp laptop giá rẻ cho trẻ em ở thế giới đang phát triển. Nghiên cứu của chuyên gia giáo dục Sugata Mitra cũng cho thấy, thành phần bị thiếu duy nhất là lời động viên từ người hướng dẫn, bạn bè hay họ hàng. Từ đó, sinh viên sẽ tự tổ chức xoay quanh các thiết bị. Cùng với trí tò mò trẻ thơ và sự sẵn lòng chia sẻ những ý tưởng mới, chia sẻ các giải pháp, các nhà lãnh đạo tự nhiên sẽ trỗi dậy.
Bằng cách giúp học sinh quen thuộc với công nghệ khi còn nhỏ, chúng ta sẽ xóa đi nỗi sợ hay sự yếu ớt của họ. Và chúng ta khuyến khích một cuộc đối thoại mở toàn diện hơn về cách thức tư duy để giải quyết các câu hỏi mở xoay quanh những vấn đề lớn nhất trong thời đại của chúng ta bằng các công nghệ, công cụ.
Cách mạng 4.0
Các trẻ được nhận laptop của tổ chức One Laptop per Child tại Úc (Ảnh: The Morning Bulletin)
Tuy nhiên, để các hệ thống giáo dục mới này thành công, chúng ta phải thẩm định lại các biện pháp của chính mình. Tất cả chúng ta đều có thể giúp chuyển hóa bối cảnh giới hạn tiềm năng xung quanh chúng ta. Một ví dụ là dự án OpenAI mà Infosys và nhiều công ty lớn khác như Facebook, Google, Amazon... cùng bỏ vốn đầu tư ra mắt hồi cuối năm 2015. Sáng kiến OpenAI này tìm cách mang lại nhiều giá trị và trí thông minh số cho các mặt tồn tại đa dạng của con người-nâng cao ý chí, những khả năng của chúng ta, cải thiện điều kiện con người-bằng cách mở ra hệ sinh thái nghiên cứu theo con đường phi lợi nhuận. Nỗ lực mở này có một tiến độ thời gian không xác định. Đó là các loại dự án mà chúng ta có thể nghĩ tới: một điều tốt đẹp hơn làm thay đổi bối cảnh.
Đây là thời điểm của sự chuyển hóa lớn, một thời kỳ mà tôi tin rằng các công nghệ xung quanh chúng ta sẽ thay đổi mọi mặt của cuộc sống. Trong xã hội của chúng ta, giáo dục đang có một cơ hội độc đáo hơn tất cả mọi cơ hội khác để chuẩn bị cho chúng ta trước một thay đổi như vậy. Chính xác thì khả năng học, sử dụng tâm trí và áp dụng suy nghĩ sáng tạo cho những vấn đề mới của con người sẽ cho phép chúng ta thích nghi và vượt qua bất kỳ sự dịch chuyển hay công nghệ tương lai nào, như những gì đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ. Không nghi ngờ gì, cuộc cách mạng công nghiệp kế tiếp sẽ là trọng tâm của nhân loại; nhưng, để làm cho cuộc cách mạng này có khả năng thích ứng, tò mò, có tính hợp tác, lôi cuốn và mạnh mẽ như tâm trí của chính chúng ta, chúng ta cũng phải đem lại cho nó một bối cảnh mới.
(Theo Vnreview)


Read more: https://vlink.com.vn/cach-mang-cong-nghiep-4-0-hoc-gi-de-san-sang-cho-tuong-lai#ixzz5bu2ZRpC8

Nhận xét

Bài đăng phổ biến