Cách nhận biết ổ cứng SSD hàng rởm, kém chất lượng
- Ổ cứng SSD Intel 760P NVMe - Tốc độ đọc trên 3GB/s
- Ô cứng SSD giảm giá mạnh, đã đến lúc thay cho HDD
- Kinh nghiệm chọn mua ổ SSD phù hợp với máy tính và nhu cầu sử dụng
Giai đoạn hiện nay là thời điểm giá của SSD rẻ gần bằng HDD (ổ cứng cơ). Cứ ngỡ, với mức giá tốt, SSD chính hãng sẽ có cơ hội phát triển mạnh, nhưng thực tế, SSD kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt” vẫn trà trộn và lấn át hàng chính hãng.
"Hồn Trương Ba da hàng thịt"
Thời điểm đầu năm 2016, SSD Kingston UV 300 120GB có giá bán chính hãng là 1.050.000 đồng, còn hàng trôi nổi, giá dao động từ 700-800.000 đồng. Đến nay, Kingston UV300 120 GB giả vẫn còn được chào bán với giá 600.000 đồng. Ở mức giá này, SSD có hình thức bên ngoài vẫn không khác gì chính hãng và gần như khó phân biệt qua vỏ ngoài vì được làm giả như thật. Tuy nhiên, bên trong SSD lại là chuyện khác. Cùng một thương hiệu, cùng model, cùng dung lượng nhưng bảng mạch, chip nhớ bên trong của mỗi ổ cứng SSD đều khác nhau và không đồng đều.
Nhìn từ bề ngoài, ổ SSD rởm rất khó phân biệt do được làm giả tinh vi
|
Đi kèm với sự không đồng đều bên trong đó là mức giá cũng chênh lệch khá nhiều vì có nhiều kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Điển hình, “hồn Trương Ba” loại 1 có tốc độ đọc - ghi (block size = 1024KB) ~400MB/s - ~120MB/s, còn nếu mua nhầm loại 2 thì “thê thảm” hơn khi tốc độ đọc - ghi chỉ còn ~160MB/s - 50 MB/s so với tốc độ chuẩn của hàng chính hãng 500~550MB/s - 280~350 MB/s. Kéo theo đó, những công cụ của Kingston như Toolbox và Manager đều không nhận được loại ổ cứng dạng này. Đây thật sự là thiệt thòi rất lớn cho người dùng vì sử dụng SSD là để tăng tốc độ khởi động máy và ứng dụng.
Sự thờ ơ của người dùng
Với lợi thế ở tốc độ đọc, ghi rất cao cũng như hoạt động ổn định do không có phần cơ như ổ cứng HDD nên SSD được ưa chuộng. Người dùng chọn SSD làm ổ chứa hệ điều hành cho máy tính nhằm làm giảm thời gian khởi động máy, khởi động chương trình. Hiện một số cửa hàng bán laptop thường mua loại SSD này để nâng cấp cho laptop trước khi bán ra thị trường. Đa số người dùng sau khi mua chỉ biết gắn vào sử dụng (thậm chí còn nhờ người bán làm) chứ không quan tâm đến thông số thực của ổ cứng vì phải cài đặt phần mềm kiểm tra.
Bên ngoài hộp là Kingston nhưng bên trong thì có đủ loại ruột, đủ loại chip nhớ từ nhiều hãng khác nhau
|
Ngoài ra, dù có là hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng tốc độ khởi động hệ thống, phần mềm nhanh hơn HDD truyền thống thấy rõ. Vì thế, chẳng mấy ai kiểm tra và cứ đinh ninh mình mua hàng ngon giá hời. Đó là lý do chính để hàng SSD kiểu này mạnh dạn chào bán công khai vì cơ sở kiểm tra dường như không được người dùng chú trọng. Thậm chí, có cả những topic rao bán ghi rõ SSD “hồn Trương Ba, da hàng thịt” vẫn được một số người dùng chọn mua để nâng cấp cho laptop cũ. Bên ngoài hộp là Kingston nhưng bên trong thì có đủ loại ruột, đủ loại chip nhớ từ nhiều hãng khác nhau cũng chẳng mấy ai quan tâm.
Nhiều nguy cơ rình rập khi dùng SSD dỏm
Đáng lo ngại hơn cả, ngoài chuyện SSD “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, người dùng còn đang đối mặt với SSD bootrom. Bootrom là công nghệ máy tính không cần sử dụng ổ cứng trên máy mà dùng ổ cứng ảo trên server thông qua kết nối LAN. Một phòng máy có 20-30 máy tính nếu dùng bootrom sẽ tiết kiệm được chừng đó ổ cứng. Hơn thế đó là sự thuận tiện trong việc cập nhật phần mềm, quản lý và điều hành đồng thời tiết kiệm điện.
Ổ cứng server chạy bootrom thường sẽ rất tã do sử dụng với tần suất lớn
|
Ổ cứng của máy server chạy bootrom sẽ hoạt động, ghi và đọc dữ liệu liên tục và kéo dài cả ngày cho vài chục máy con khiến cho độ bền giảm xuống hay phát sinh lỗi. Khoảng 6 đến 9 tháng, các phòng net, game sẽ thải loại những ổ SSD này. SSD bootrom dù còn thời hạn bảo hành song đã rất “tã”, người dùng nếu không tinh ý sẽ dễ mua phải loại SSD bootrom này.
Làm thế nào để phân biệt hàng dỏm?
Về cảm quan bên ngoài, để phân biệt được hàng giả kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt” hay hàng chính hãng là khó đối với người dùng thông thường dù vẫn có những dấu hiệu như chữ mờ, tem nhà phân phối giả... Còn đối với loại SSD chạy bootrom thì không thể phân biệt được. Vì thế, cách tốt nhất là bạn kiểm tra bằng các phần mềm như Crydiskinfo, Crydiskinmask, HD Tune Pro... hoặc các phần mềm chính hãng như Samsung Magician, Kingston Manager...
Phần mềm kiểm tra tốc độ đọc ghi của ổ SSD
|
Những phần mềm này sẽ hiển thị thông tin tốc độ đọc - ghi, thời gian sử dụng và số series của SSD. Nếu số series không khớp hoặc tốc độ đọc - ghi quá thấp so với thông số của nhà sản xuất thì gần như chắc chắn là hàng giả. Nếu thông số thời gian sử dụng quá nhiều mà thời gian khởi động lại thấp, không tương xứng thì rõ ràng là SSD chạy bootrom. Hiện nay, SSD 2.5 inch kết nối SATA của các thương hiệu tên tuổi như Kingston và Samsung bị làm giả khá nhiều, bạn đọc cần lưu ý.
Admin
Read more: https://vlink.com.vn/cach-nhan-biet-o-cung-ssd-hang-dom-kem-chat-luong#ixzz5VImAq400
Nhận xét